image banner
Sức hút mới trong thu hút đầu tư của Nghĩa Hưng
Lượt xem: 495

Nhằm tạo đột phá phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, những năm qua huyện Nghĩa Hưng luôn nỗ lực đẩy mạnh xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (Aurora IP) ký kết, bàn giao hợp đồng thuê đất trong KCN Dệt may Rạng Đông cho nhà đầu tư thứ cấp.
Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (Aurora IP) ký kết, bàn giao hợp đồng thuê đất trong KCN Dệt may Rạng Đông cho nhà đầu tư thứ cấp.

Giai đoạn 2015-2020, huyện Nghĩa Hưng đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu tạo lợi thế thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, huyện chú trọng đầu tư xây dựng mới và mở rộng các khu, cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn như: Đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông giai đoạn I với diện tích 519ha; 4 CCN với tổng diện tích được quy hoạch khoảng 60ha gồm Nghĩa Sơn, Nghĩa Thái, Nghĩa Minh, Nghĩa Lạc và nhiều điểm công nghiệp tại các xã, thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Bình, Nghĩa Phong, Nghĩa Hải. Xây dựng, phát triển, hình thành mạng lưới thương mại rộng khắp, bao phủ đến tất cả thôn xóm, tổ dân phố với hệ thống chợ nông thôn, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ hàng hoá... tạo điều kiện giao lưu hàng hoá, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất. Hạ tầng lưới điện được đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp, đạt tiêu chí về điện nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Hệ thống viễn thông được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Toàn huyện đã cải tạo, nâng cấp nhựa hoá 100% tuyến đường trục kết nối từ khu trung tâm các xã, thị trấn với đường huyện, tỉnh lộ, quốc lộ. Đã phối hợp với các ngành, các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, đưa các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh trên địa bàn vào sử dụng như cầu Thịnh Long, tỉnh lộ 487; đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường trục phát triển kinh tế nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, kênh nối Đáy - Ninh Cơ, tỉnh lộ 488C... góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương. Tập trung xây dựng hạ tầng khu đô thị trung tâm thị trấn Liễu Đề và một số khu dân cư tập trung tại các xã, thị trấn Quỹ Nhất, Đào Thượng, xã Nghĩa Châu, xã Nghĩa Trung... tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng cơ sở, góp phần thúc đẩy tốc độ đô thị hóa nông thôn.

Đồng thời với công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đã chỉ đạo tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trong đó, huyện tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần chính quyền phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tích cực rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, tổ chức cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành, các thủ tục hành chính do UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và công khai thông tin chỉ đạo điều hành, hoạt động của chính quyền trên Cổng thông tin điện tử của huyện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân đến liên hệ giao dịch giải quyết hồ sơ hành chính. Lập đường dây nóng để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị và ý kiến đóng góp của các cá nhân, tập thể hoạt động sản xuất, kinh doanh trong huyện. Việc cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ mức độ 3, 4 được UBND huyện công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; đã có 97/228 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng hỗ trợ sau cấp phép đầu tư giúp doanh nghiệp triển khai nhanh chóng dự án, rút ngắn thời gian xây dựng, hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh… Nhờ đó, huyện không ngừng tạo dựng được niềm tin, uy tín về sự đồng hành với nhà đầu tư. Đến nay toàn huyện có 433 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (năm 2015 có 208 doanh nghiệp); tổng nguồn vốn 7.907 tỷ đồng, doanh thu đạt 6.634 tỷ đồng; thu hút trên 15 nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Tại các CCN đã thu hút đầu tư được 33 dự án với tổng mức đầu tư trên 4.450 tỷ đồng; trong đó có 3 dự án FDI với tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng, đang hoạt động sản xuất có hiệu quả. 30 dự án từ nguồn vốn đầu tư trong nước, với tổng mức đầu tư 2.350 tỷ đồng; trong đó có 9 dự án đã hoàn thành có tổng mức đầu tư 134,6 tỷ đồng, 8 dự án đang thi công có tổng mức đầu tư 689,94 tỷ đồng, 1 dự án đã giao đất có tổng mức đầu tư 64,75 tỷ đồng, 12 dự án đang giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 1.460,88 tỷ đồng. Mới đây KCN Dệt may Rạng Đông đã thu hút được 2 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng các dự án dệt, nhuộm công nghệ cao với tổng mức đầu tư lên tới hơn 200 triệu USD. Trong đó, dự án nhà máy dệt Top Textile được Công ty TNHH Top Textile Việt Nam (nhà đầu tư Hồng Kông liên kết với tập đoàn kinh tế đa ngành Nhật Bản) triển khai xây dựng trên diện tích 31,2ha với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD. Dự án Nhà máy Dệt may Jehong Textile được Công ty TNHH Jehong Textile Việt Nam (nhà đầu tư Đài Loan) triển khai xây dựng trên diện tích 3,06ha tập trung vào lĩnh vực nhuộm vải hoàn tất. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6 triệu USD dự kiến đến năm 2022 đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 300 lao động.

Mới đây tỉnh vừa khởi công xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định với tổng chiều dài 65,58km. Trong đó huyện Nghĩa Hưng là điểm cuối kết nối với dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Ninh Bình tại Km65+580 (bờ tả sông Đáy, đê biển xã Nghĩa Hải). Tuyến đường khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của 3 huyện ven biển, góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bộ ven biển trong khu vực. Tuyến đường sẽ góp phần thúc đẩy khai thác tối đa tiềm năng du lịch biển của tỉnh ta, trong đó có khu du lịch sinh thái Cồn Mờ của huyện.

Thời gian tới huyện chú trọng triển khai thực hiện tốt quy hoạch đô thị Rạng Đông và quy hoạch khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông theo hướng tập trung thu hút đầu tư để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực; hình thành các tổ hợp đô thị - thương mại - du lịch - dịch vụ chất lượng cao; từng bước hình thành đô thị Rạng Đông đạt loại IV vào năm 2025, tạo tiền đề cho việc kết nối với đô thị Thịnh Long để sớm trở thành đô thị loại III. Trên cơ sở quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các CCN: Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Phong, Quỹ Nhất, Nghĩa Lạc. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có vốn lớn, có công nghệ cao, hiện đại để phát triển các ngành công nghiệp, đô thị, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách. Phấn đấu xây dựng huyện Nghĩa Hưng đến năm 2030 trở thành huyện công nghiệp phát triển./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy 


Tin mới







image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân TT Rạng Đông - Nghĩa Hưng - Nam Định
Địa chỉ: TT Rạng Đông- huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định

Chung nhan Tin Nhiem Mang